top of page

Những biểu tượng của LGBT chúng ta không thể không biết (phần 1)

Hãy cùng tìm các biểu tượng sau để tìm được những người “đồng đội” cùng chí hướng.

Cờ cầu vồng(Cờ lục sắc)

Các bạn trẻ cùng hòa mình và nhảy múa dưới lá cờ cầu vồng lục sắc tại Viet Pride 2014.

Cách đây hai năm, khi chúng tôi đặt làm những là cờ này cho Viet Pride, công ty in có thắc mắc rằng có phải chúng tôi đang chuẩn bị kỉ niệm một ngày lễ Phật giáo nào đó hay không.

Không, tất nhiên là không phải rồi.

Thật ra, những lá cờ sáu sắc này có thể được coi là biểu tượng dễ nhận biết nhất trong cộng đồng LGBT, một biểu tượng luôn hiện diện và tung bay phấp phới trong tất cả các sự kiện liên quan đến LGBTQI kể từ 1978 - năm nó ra đời.

Mỗi màu sắc trong lá cờ có một ý nghĩa riêng nhất định:

  • Màu đỏ: cuộc sống,

  • Màu cam: sự bình phục,

  • Màu vàng: mặt trời,

  • Xanh lá: thiên nhiên,

  • Màu chàm: hài hòa

  • Màu tím: tinh thần.

Mẫu cờ gốc năm 1978 còn có thêm hai màu:

  • Màu hồng: giới tính

  • Màu lam: nghệ thuật

Tại Việt Nam, bạn sẽ luôn thấy được những lá cờ sáu sắc được treo, vẫy, trang trí, hoặc in trên các sticker, ấn phẩm, túi xách, quần áo, phụ kiện, vv..vv ở tất cả các sự kiện trong cộng đồng LGBTQI.

Búa hai lưỡi labrys

Dù được dùng như một biểu tượng cho nền văn minh cổ đại Hy Lạp, hay như biểu tượng của thời hiện đại cho đồng tính nữ, Labrys đại diện cho những phẩm giá cao quý của người phụ nữ (Ảnh: DevianArt / Atanapotnia)

Thuở đầu, búa hai lưỡi Labrys là một biểu tượng cho nữ cường, sự độc lập, tự chủ, thông minh, sức mạnh và có một sự liên kết chặt chẽ với các nữ thần Hy Lạp. Vì vậy, rất dễ hiểu tại sao cộng đồng những người đồng tính nữ lại lựa chọn nó làm biểu tượng cho mình.

Bạn có thể đã nghe nói về AsianLabrys.com, một trong những diễn đàn và trang tin tức nổi bật nhất trong cộng đồng người đồng tính nữ Việt.

Dấu Lambda

Lambda được sử dụng trong nhiều trường hợp, một trong số đó tượng trưng cho nhân quyền của người đồng tính nam và đồng tính nữ (Ảnh: familyresearchinst.org)

Lần đầu tiên được sử dụng trong chiến dịch LGBT năm 1970, biểu tượng Lambda chính thức được Đại hội quyền đồng tính Quốc tế công nhận là một biểu tượng cho quyền đồng tính nam và đồng tính nữ vào tháng 12, năm 1974. Có rất nhiều giả thuyết về lý do cho quyết định này:

  • Nó biểu hiện sự đoàn kết thống nhất đối với những áp bức bất công.

  • Đó là một biểu tượng của "năng lượng" trong vật lý.

  • Nguồn gốc La Mã của nó là "ánh sáng của tri thức soi thấu vào bóng tối của sự ngu dốt"

  • Nó xuất hiện trên lá chắn của các chiến binh Spartan, những người có quan hệ đồng tính trong truyền thuyết.

  • Mang ý nghĩa cho toàn thể Sparta, tên theo tiếng Hy lạp cổ đại của Sparta bắt đầu với ký tự lambda.

Tuy nhiên ở Việt Nam, biểu tượng này chưa được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng LGBT.

Biểu tượng của những người chuyển giới

Bạn hẳn đã thấy hình ảnh này trong hình xăm hay phụ kiện ở đâu đó - những người mang nó rất có thể là người chuyển giới. (Ảnh: Wikipedia)

Bất kể bạn nhìn hình ảnh này từ chiều nào đi chăng nữa, nó vẫn sẽ có ý nghĩa phù hợp. Đó là ý đồ đằng sau thiết kế biểu tượng chuyển giới này. Hình ảnh này là sự kết hợp của tất cả các yếu tố có trong các biểu tượng giới tính khác.

Cờ của người song tính

Dải màu hồng và xanh hòa trộn với nhau tạo thành dải màu tím. Biểu tượng cho sự hòa hợp của hai xu hướng tính dục.

(Ảnh: Wikipedia)

Lá cờ song tính đầu tiên được giới thiệu ngày 05 tháng 12, năm 1998. Đây là một thiết kế của nghệ sĩ Michael Page. Trong thiết kế Bi Pride Flag, các màu sắc và sự pha trộn màu được dựa trên biểu tượng “các tam giác bi” có sẵn. Các dải màu mang những ý nghĩa sau:

  • Hồng : sự hấp dẫn tình dục duy nhất với người cùng giới (đồng tính nam và đồng tính nữ)

  • Xanh da trời: sự hấp dẫn tình dục duy nhất với người khác giới (dị tính)

  • Tím: hấp dẫn tình dục với cả hai giới (song tính).

Tại “BUBU town” – sự kiện của tổ chức iSEE nhân ngày kỉ niệm IDAHOT vào tháng 5, những stickers in hình lá cờ này đã được phát miễn phí nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của mọi người về song tính.

(còn tiếp)


bottom of page